Hướng dẫn trích lập dự phòng bảo hành sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, công trình xây dựng

Hướng dẫn trích lập dự phòng bảo hành sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, công trình xây dựng

Căn cứ pháp lý

  • Thông tư 48/2019/TT-BTC

Đối tượng trích lập dự phòng

Đối tượng trích lập dự phòng bảo hành sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, công trình xây dựng là những sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ, công trình xây dựng do doanh nghiệp thực hiện đã bán, đã cung cấp, hoặc đã bàn giao cho người mua còn trong thời hạn bảo hành hoặc doanh nghiệp vẫn còn nghĩa vụ tiếp tục sửa chữa, hoàn thiện, bảo hành theo hợp đồng hoặc cam kết với khách hàng.

Thời điểm trích lập dự phòng

Thời điểm doanh nghiệp thực hiện trích lập dự phòng là thời điểm lập báo cáo tài chính năm.

Mức trích lập dự phòng

Doanh nghiệp tự dự kiến mức tổn thất để trích lập dự phòng bảo hành cho các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, công trình xây dựng đã tiêu thụ và dịch vụ đã cung cấp trong năm và tiến hành lập dự phòng cho từng loại sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, công trình xây dựng có cam kết bảo hành. Nhưng đảm bảo:

  • Mức trích lập dự phòng đối với hàng hoá, dịch vụ tối đa không quá 5% tổng doanh thu tiêu thụ trong năm.
  • Đối với công trình thì doanh nghiệp trích lập dự phòng mức tối đa không vượt quá 5% trên giá trị hợp đồng.

Lưu ý: Sau khi lập dự phòng cho từng loại sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, công trình xây dựng doanh nghiệp tổng hợp toàn bộ khoản dự phòng vào bảng kê chi tiết. Bảng kê chi tiết là căn cứ để hạch toán vào chi phí của doanh nghiệp trong kỳ

Các bút toán định khoản kế toán với các khoản dự phòng bảo hành

Đối với dự phòng bảo hành sản phẩm, hàng hoá

  • Doanh nghiệp bán hàng cho khách hàng có kèm theo giấy bảo hành sửa chữa do lỗi nhà sản xuất được phát hiện trong thời gian bảo hành sản phẩm, hàng hoá thì doanh nghiệp tự ước tính chi phí bảo hành trên số lượng sản phẩm, hàng hoá đã xác định tiêu thụ trong kỳ. Trích lập dự phòng của trường hợp này hạch toán như sau:

Nợ TK 641 – Chi phí bán hàng

Có TK 352 – Dự phòng phải trả (3521)

  • Khi phát sinh các khoản chi phí liên quan đến khoản dự phòng phải trả về bảo hành sản phẩm, hàng hóa đã lập ban đầu, như chi phí nguyên vật liệu, chi phí nhân công trực tiếp, chi phí khấu hao TSCĐ, chi phí dịch vụ mua ngoài…,, hạch toán như sau:

Nếu doanh nghiệp không có bộ phận độc lập về bảo hành sản phẩm, hàng hoá:

Nợ TK 621, 622, 627,…

Nợ TK 133 – Thuế GTGT được khấu trừ (nếu có)

  Có TK 111, 112, 152, 214, 331, 334, 338,..

Cuối kỳ, doanh nghiệp kết chuyển chi phí bảo hành thực tế phát sinh:

Nợ TK 154 – Chi phí sản xuất kinh doanh (SXKD) dở dang 

  Có TK 621, 622, 627,….

Khi hoàn thành xong bảo hành bàn giao lại cho khách hàng:

Nợ TK 352 – Dự phòng phải trả (3521)

Nợ TK 641 – Chi phí bán hàng (phần dự phòng phải trả về bảo hành sản phẩm, hàng hoá còn thiếu)

 Có TK 154 – Chi phí SXKD dở dang

Nếu doanh nghiệp có bộ phận độc lập về bảo hành sản phẩm, hàng hoá:

Số tiền phải trả cho bộ phận bảo hành về chi phí bảo hành hoàn thành bàn cho khách, được hạch toán như sau:

Nợ TK 352 – Dự phòng phải trả (3521)

Nợ TK 641 – Chi phí bán hàng (chênh lệch nhỏ hơn giữa dự phòng phải trả bảo hành sản phẩm, hàng hoá so với chi phí thực tế về bảo hành)

  Có TK 336 – Phải trả nội bộ

  • Khi lập báo cáo tài chính, doanh nghiệp phải xác định số dự phòng cần trích lập:

Nếu số dự phòng trích lập kỳ này lớn hơn số dự phòng đã trích lập kỳ trước nhưng chưa sử dụng hết, phần chênh lệch hạch toán như sau:

Nợ TK 641 – Chi phí bán hàng

  Có TK 352 – Dự phòng phải trả (3521)

  • Số dự phòng trích lập kỳ này nhỏ hơn số dự phòng phải trả đã trích lập kỳ trước chưa sử dụng hết, tiến hành hoàn nhập dự phòng phần chênh lệch, hạch toán như sau:

Nợ TK 352 – Dự phòng phải trả (3521)

  Có TK 641 – Chi phí bán hàng

Đối với dự phòng bảo hành công trình xây dựng:

  • Trích lập dự phòng bảo hành công trình xây dựng thực hiện cho từng công trình, hạng mục công trình hoàn thành, bàn giao trong kỳ. Số dự phòng phải trả về chi phí bảo hành công trình xây dựng trong kỳ được hạch toán như sau:

Nợ TK 627 Chi phí sản xuất chung 

  Có TK 352 – Dự phòng phải trả (3522)

  • Khi phát sinh các khoản chi phí phát sinh liên quan đến khoản dự phòng phải trả về bảo hành công trình xây dựng đã lập ban đầu như chi phí nguyên vật liệu, chi phí nhân công trực tiếp, chi phí khấu hao TSCĐ, chi phí dịch vụ mua ngoài…,:

Trường hợp doanh nghiệp tự thực hiện bảo hành công trình xây dựng:

  • Khi phát sinh các khoản chi phí liên quan đến việc bảo hành, ghi:

Nợ TK 621, 622, 627,…

Nợ TK 133 – Thuế GTGT được khấu trừ (nếu có)

  Có TK 111, 112, 152, 214, 331, 334, 338,..

  •  Cuối kỳ, doanh nghiệp kết chuyển chi phí bảo hành thực tế phát sinh:

Nợ TK 154 – Chi phí SXKD dở dang 

 Có TK 621, 622, 627,….

  • Khi hoàn thành xong bảo hành công trình bàn giao lại cho khách hàng:

Nợ TK 352 – Dự phòng phải trả (3522)

Nợ TK 632 – Giá vốn hàng bán (chênh lệch giữa số dự phòng đã trích lập nhỏ hơn chi phí thực tế về bảo hành)

 Có TK 154 – Chi phí SXKD dở dang

Trường hợp giao cho đơn vị trực thuộc hoặc thuê ngoài thực hiện việc bảo hành, ghi:

Nợ TK 352 – Dự phòng phải trả (3522)

Nợ TK 632 – Giá vốn hàng bán (chênh lệch giữa số dự phòng đã trích lập nhỏ hơn chi phí thực tế về bảo hành)

 Có các TK 331, 336…

  • Khi hết hạn bảo hành công trình xây dựng, nếu công trình thực tế không phát sinh bảo hành hoặc số dự phòng phải trả về bảo hành công trình lớn hơn chi phí thực tế phát sinh thì doanh nghiệp hoàn nhập số chênh lệch như sau:

Nợ TK 352 – Dự phòng phải trả (3522)

 Có TK 711 – Thu nhập khác

Ví dụ

Công ty A xây dựng công trình nhà ở cho khách hàng với tổng giá trị hợp đồng là 1.200.000.000 đồng và có cam kết bảo hành trong vòng 03 năm cho khách hàng. Công ty ước tính và chọn mức trích lập dự phòng là 3%. 

Vây mức trích lập dự phòng năm 2022 của công ty A = 1.200.000.0000 x 3% = 360.000.000 đồng

Công ty A hạch toán:

Nợ TK 627: 36.000.000 đồng

  Có TK 3522: 36.000.000 đồng